Nhà sư phạm Nga Cômenxki từng nói: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.Câu nói đó gợi cho chúng ta nhớ đến nhiều thế hệ các thầy cô giáo đã cống hiến sức trẻ, tri thức và tâm huyết cho thế hệ tương lai góp phần xây dựng đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp. Giữa rất nhiều những bông hoa đẹp của ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Quy – Giáo viên khoa Hầm lò 1, trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm-Vinacomin là một trong những tấm gương tiêu biểu cho lòng tâm huyết và yêu nghề sâu sắc của một Nhà giáo.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất mỏ Cẩm Phả – Quảng Ninh trong gia đình có truyền thống nhiều năm công tác tại trường. Ngay từ khi còn rất nhỏ, mơ ước lớn lên sẽ trở thành cô giáo của cô bé Nguyễn Thị Quy đã được hình thành và vun đắp từ chính tấm gương của người cha – nguyên là cán bộ quản lý tại Trường đào tạo, bồi dưỡng CBCN – Công ty than Cẩm Phả lúc bấy giờ. Với chị cha là người sống giản dị, luôn nghiêm khắc với bản thân và làm việc hết mình vì tập thể với tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỏ – Địa chất, tháng 1/1996 chị Quy xin ứng tuyển và chính thức nhận công tác làm giáo viên tại Nhà trường. Trong quá trình công tác, tấm gương về người cha vẫn luôn nhắc nhở chị “Phải cố gắng để xứng đáng với sự tin tưởng và dìu dắt của cha và những người thầy đi trước dành cho mình”. Để làm được điều đó, trong quá trình công tác và giảng dạy, chị luôn không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn cũng như những hiểu biết về khoa học – kỹ thuật, tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy mới nhằm tạo nền tảng kiến thức vững chắc để mang đến cho học sinh những giờ giảng hay, ý nghĩa. Trong đó, nhiều đề tài – sáng kiến phục vụ công tác giảng dạy mà chị tham gia đã được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá cao, tiêu biểu là đề tài “Vận dụng phương pháp dạy học khám phá theo nhóm hợp tác trong dạy học môn học Địa chất nghề Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò nhằm phát triển tư duy của học sinh”. Đồng thời, Tham gia biên soạn nhiều chương trình, là tác giả của nhiều giáo trình phục vụ cho học sinh học nghề khai thác mỏ, xây dựng mỏ hầm lò và là một trong những giáo viên đầu tiên tham đề tài gia xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm của nghề khai thác mỏ hầm lò, xây dựng mỏ hầm lò phục vụ công tác thi kiểm tra, thi thợ giỏi của tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Cô giáo Nguyễn Thị Quy trong giờ lên lớp
Bên cạnh việc học hỏi để không ngừng nâng cao chất lượng giờ giảng, bằng tất cả sự yêu nghề và tấm lòng nhiệt huyết với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Quy luôn trăn trở với việc giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh bởi “Quá trình dạy học không phải đơn thuần chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, nó còn là quá trình vun đắp nhân cách, xây dựng tình nhân ái cho cả một thế hệ. Người thợ mỏ không chỉ cần giỏi về tay nghề mà phải là những người có đạo đức, nhân cách, có tính kỷ luật và đồng tâm mới đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành than”. Với chị, niềm hạnh phúc là khi được chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ những người thợ mỏ, những người thợ đang ngày đêm làm việc hết mình làm ra những tấn than phục vụ Tổ quốc.
Nhiệm vụ đặt lên vai những người thầy thật lớn lao, đặc biệt đối với các cô giáo trong việc chu toàn cả công việc và gia đình, nhưng được sự động viên khích lệ rất lớn của gia đình đặc biệt là chồng chị – người bạn đời cũng là người đồng nghiệp là động lực để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ và làm tròn trách nhiệm của một người vợ người mẹ nơi hậu phương. Sau 18 năm gắn bó với nghề, nhờ sự động viên từ gia đình và sự cố gắng nỗ lực của bản thân, những đóng góp của giáo Nguyễn Thị Quy trong ngành giáo dục đã được Nhà trường và các cấp ghi nhận như: nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh; năm 2004 nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi dành cho giáo viên dạy nghề tiêu biểu; được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2010; nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương các năm 2011, 2013; Năm 2013 được BCH Đảng bộ Than Quảng Ninh tặng giấy khen “Có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 3 năm 2011 – 2013”. Nhận xét về quá trình công tác của cô Quy, thầy giáo Phan Văn Đường – Trưởng khoa Hầm lò 1 cho biết: “Cô Nguyễn Thị Quy là giáo viên có lòng yêu nghề, luôn có tinh thần học hỏi đồng nghiệp và học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Trong công việc, cô Quy luôn nhiệt tình và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Những thành tích của cô Quy trong ngành giáo dục đã khẳng định uy tín của khoa nghề nói riêng và trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin nói chung trong lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động”.
“Chúng tôi cảm thấy sung sướng và tự hào khi được ngày đêm đem hết tình yêu thương và nhiệt huyết của mình gửi vào những trang giáo án, để truyền dạy những tri thức mình có đến với các em học sinh” – Chia sẻ của cô Nguyễn Thị Quy cũng là tấm lòng của biết bao thế hệ Nhà giáo đối với học sinh thân yêu. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi tới các thế hệ Nhà giáo lời chúc và tri ân sâu sắc đối với những đóng góp của các thầy cô cho sự nghiệp trồng người.