Người bệnh cần ăn thức ăn mềm, lỏng, ăn đủ chất nhưng vừa phải để dễ tiêu hóa, uống đủ nước, tập hít thở, vận động.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược Cơ sở 3, chia sẻ: Những F0 triệu chứng bệnh nhẹ được theo dõi ở nhà thì cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để tăng đề kháng, mau khỏi bệnh.
Về dinh dưỡng, các món ăn cần thơm ngon, hấp dẫn, nhất là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin và khoáng chất. Người bệnh có thể chán ăn, ăn không ngon miệng, mất vị giác, thì thực phẩm nên nấu dưới dạng lỏng, mềm như cháo hay súp, hầm, giúp việc ăn uống dễ dàng hơn.
Ăn đa dạng với 4 nhóm thực phẩm là bột đường từ các loại hạt, ngũ cốc; nhóm chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…; nhóm chất béo như mỡ động vật, dầu thực vật; nhóm vitamin và khoáng chất từ các loại rau, củ, quả.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có năng lượng để hoạt động và mau hồi phục. Cần ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ sống để ngăn ngừa bị nhiễm thêm các bệnh đường tiêu hóa.
Nhu cầu dinh dưỡng cụ thể trên từng người bệnh Covid-19 thực tế là khác nhau do đặc điểm về tuổi tác, bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng,.. Một số bệnh lý như tăng huyết áp, suy thận, gan mật, đái tháo đường cần có chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.
“Ăn uống đủ chất nhưng không nên quá nhiều. Chế độ ăn uống lạnh mạnh cân bằng không những cải thiện sức khỏe mà còn làm tâm trạng vui vẻ hơn”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ngoài ra, cần uống đủ nước từ 2-3 lít/ngày, tùy theo cân nặng; chia làm nhiều lần trong ngày để cung cấp độ ẩm cho hệ hô hấp. Có thể uống nước lọc hoặc món nước yêu thích như nước cam, sữa tươi, một ly cà phê, một tách trà yêu thích.
Cần ngủ đủ giấc, đều đặn. Nên ngủ trước 11g đêm, không nên thức khuya chơi game hay đọc báo, sử dụng điện thoại. Khi thấy mệt và buồn ngủ thì nên ngủ nhiều hơn.
Cần lên lịch cho mình trong ngày những khung thời gian nào làm việc nào, nên cố gắng tuân thủ theo như giờ ăn, giờ đi ngủ, giờ uống trà, giờ đọc sách, giờ xem phim, giờ tập thể thao….
Vận động cơ thể dù không gian hẹp. Có thể tập các động tác tại chỗ đơn giản, hoặc tập thiền, tập hít thở, thư giãn. “Tập thể dục giúp tiết ra endorphin là chất giúp tâm trạng bình ổn, tăng cường miễn dịch, chuyển hóa, giảm đau”, bác sĩ Vũ khuyên.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người sẽ cảm thấy căng thẳng, hồi hộp, đau buồn, lo âu. Người bệnh Covid-19 có thể rơi trạng thái tâm lý tồi tệ hơn. Sự căng thẳng và một số thay đổi thể chất do Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính sẵn có, hoặc các bệnh tâm thần, gây khó ngủ, đau đầu…
“Vậy nên người dân cần làm chủ tinh thần, giữ được sự bình tĩnh. Không nên tìm cách cải thiện tâm trạng bằng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích bởi chỉ giúp giải tỏa nhất thời nhưng về sau kết quả sẽ tệ hơn”, chuyên gia khuyên.
Bên cạnh đó, người dân nên tạm dừng xem, đọc, nghe tin tức về đại dịch. Giới hạn thời gian tiếp xúc với mạng xã hội. Hãy kết nối, trò chuyện với người khác, người bạn tin tưởng có thể sẻ chia và thông cảm. Nếu cảm thấy mình có vấn đề tâm lý hãy tìm sự hỗ trợ từ xa từ bác sĩ tâm lý.
Nguồn: vnexpress.net
-
Xử lý khẩu trang đúng các để tránh lây nhiễm Covid-19 (23-7-2021) -
Danh sách thí sinh tham dự kỳ ĐG KNN Quốc gia kỳ VII/2021 (10-7-2021) -
Thông báo kết quả đánh giá KNN Quốc gia kỳ VI/2021 (6-7-2021) -
Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam tăng cường tập huấn chuyên môn cho CB, GV, CNV (4-6-2021) -
Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021) (23-6-2021) -
Thông báo mời chào giá lương thực, thực phẩm 6 tháng cuối năm 2021 (15-6-2021) -
Công đoàn trường Cao đẳng TKV tổng kết tháng công nhân năm 2021 (8-6-2021) -
Thông báo kết quả đánh giá KNN Quốc gia kỳ V/2021 (3-6-2021)