DANH MỤC Trang chủ Diễn đàn Liên hệ Sơ đồ web  
Thứ Năm, 20/9/2007 9: 01: 29 P.M.
Tiếnng Việt English

                        TÌM KIẾM

                          THI TRẮC NGHIỆM LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ONLINE

                        THĂM DÒ Ý KIẾN
                        Bạn biết đến website Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng Sản Việt Nam qua:

                        LIÊN KẾT

                        Tìm hiểu kiến thức âm nhạc

                        Nhạc Giao hưởng - bản sonate cho dàn nhạc
                        Bản in   Gửi cho bạn bè   Phản hồi bài viết

                         

                        GIAO HƯỞNG - BẢN SONATE CHO DÀN NHẠC

                        Kể từ khoảng năm 1750, thuật ngữ “symphony[1]” (giao hưởng) được dùng với nghĩa “bản sonate dành cho cả dàn nhạc”. Trước đó, thuật ngữ này được dùng với nhiều nghĩa khác nhau.
                        Symphony qua những giai đoạn lịch sử: 
                               Symphony” có căn nguyên từ tiếng Hy-lạp với nghĩa là “một chồng âm”. Người Hy-lạp cổ dùng từ này để gọi việc kết hợp các âm thanh một cách dễ nghe với dàn đồng ca. Về sau, tuy nó được dùng nhiều cách khác nhau, nhưng thường nhất vẫn là để chỉ một loại khí nhạc. Một ngoại lệ là trong tác phẩm “Sacrae symphoniae” (Giao hưởng thánh) của G. Gabrieli[2] và H. Schütz[3] nó lại được dùng để chỉ thể loại âm nhạc dành cho nhạc cụ và cả giọng hát. Tên gọi symphony đã được áp dụng cho các chương khí nhạc của một vở oper, như vở “Orfeo” của Monteverdi[4], cho phần mở đầu của tổ khúc nhạc khí, như trong “Sonate da camera” của Rosenmüller[5], cho phần dạo đầu của một cantata, như trong bản Cantata số 156 của Bach (Ich steh’ mit einem Fuss im Grabe), cho tên gọi overture (phần mở màn) của thể loại opera Ý, thậm chí cho phần dạo đầu của một ca khúc, hay bất thường hơn, được Bach dùng để gọi tên các inventions (ứng tấu) 3 phần của mình.
                               Giao hưởng hiện đại vẫn duy trì hình thức tác phẩm độc lập, dựa trên mẫu từ ouverture Ý từ 1730 đến 1750. Các nhà soạn nhạc thành Vienne như Georg Monn, Georg Wagenseil đã thêm một chương minuet (menuet) vào kiểu tác phẩm 3 chương của ouverture Ý. Như vậy, người ta thường gọi Joseph Haydn là “Cha của giao hưởng” (Father of symphony) nhưng như thế không có nghĩa là ông đã sáng tạo ra nó, mà chỉ vì Haydn đã có nhiều cải cách quan trọng và có công phát triển thể loại mạnh mẽ này qua 104 bản giao hưởng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong số 30 bản giao hưởng đầu tiên của mình, Haydn còn trung thành với cấu trúc hình thức 3 chương. Về một mặt nào đó, chúng nghe như thể loại “concerto grosso” của thời Baroque với Bach, Händel, Vivaldi. Từ sau năm 1765, cấu trúc 4 chương mới thực sự phổ biến, và lúc đó, giao hưởng mới thoát khỏi những yếu tố tương đồng với concerto grosso, overture, v.v…
                               Từ các giao hưởng được viết sau năm 1780, đặc biệt trong 12 giao hưởng Salomon sáng tác cho thành phố London (nên còn gọi là giao hưởng London, số 93 đến 104), Haydn đã chịu ảnh hưởng nhiều về sự tinh tế và duyên dáng của Mozart, nhà soạn nhạc thế hệ sau ông. Không chỉ có Haydn mà cả J.C.Bach[6] và các nhà soạn nhạc trường phái Mannheim (Đức) cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi cách viết giao hưởng của Mozart. Đặc biệt, qua 3 giao hưởng sau cùng (trong số 41 giao hưởng, viết vào năm 1788) của mình, Mozart đã vượt xa Haydn và được tôn vinh bởi sự cân bằng âm sắc, diễn cảm và cách tạo cấu trúc cho giao hưởng.
                               Trong số 9 giao hưởng của Beethoven, symphony No. 3 - “Eroica” là giao hưởng đầu tiên theo phong cách mới. Nó được xem như tiền thân của Lãng mạn,và đặc biệt symphony No. 9 có quan niệm lớn nhất về cấu trúc hình của symphony trước khi những giao hưởng đồ sộ của Mahler[7] xuất hiện. Ở giao hưởng số 3, “Eroica”, cấu trúc hình thức được mở rộng và tính biểu cảm được thể hiện sâu sắc hơn. Nhưng chính hình thức âm nhạc mới là điều mà Beethoven đã thực sự tách ra khỏi truyền thống giao hưởng. Chương cuối cùng của giao hưởng này lại được viết theo hình thức biến tấu[8] (thay vì sonate allegro). Sự cải cách này được Brahms giữ lại trong chương cuối của bản giao hưởng số 4 nổi tiếng của mình. 
                                Trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven, lần đầu tiên giọng người qua hình thức hợp xướng được sử dụng như một nhạc khí trong một thể loại thuần túy dành cho khí nhạc. Wagner[9] đã coi sự kiện này như “số phận không thể tránh khỏi” của âm nhạc kịch tính dành cho nhạc khí, phá vỡ biên giới giữa khí nhạc và thanh nhạc. Hợp xướng tiếp tục được khai thác nhiều trước khi có các giao hưỡng Mahler. Trong symphony-cantata “Lobgesang” (Bài ca ngợi) của mình, Mendelssohn[10] thậm chí còn để cho tính chất cantata (hợp xướng) nổi trội hơn giao hưởng.
                                 Bản giao hưởng số 6 của Beethoven, “Pastorale”, mở đầu cho khuynh hướng sáng tác thể loại giao hưởng có chương trình (program symphony), có tiêu đề. Trong đó, Beethoven đã đặt tên cho 5 chương của mình. Đây cũng là lần đầu tiên có thể loại giao hưởng 5 chương. Sau này Berlioz[11] đã nối tiếp sáng kiến của Beethoven để viết “Symphonie fantastique” và giao hưởng bi kịch“Roméo et Juliette”. Hai tàc phẩm này được viết cho dàn nhạc và giọng hát nhưng lại theo một thể loại mới do Liszt[12] sáng tạo: thơ giao hưởng (Symphonic poem).
                                 Mặc dù còn có nhiều biến đổi nữa do nhiều tác giả làm phong phú thể loại giao hưởng, nhưng cho đến ngày nay, trong các giao hưởng hiện đại, người ta vẫn có khuynh hướng viết theo cấu trúc 3 hoặc 4 chương. Trong số rất ít nhà soạn nhạc thuộc dòng nhạc bác học của Việt Nam, có rất ít người viết thể loại giao hưởng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể tự hào với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam[13], tác giả của 8 giao hưởng, trong đó có một số giao hưởng đã được các dàn nhạc quốc tế dàn dựng (tại Nga, Mỹ).

                        Cấu trúc thể loại giao hưởng cổ điển:
                                 Như đã nói ở trên, tuy có nhiều biến đổi, nhưng thể loại giao hưởng, symphony, vẫn cấu trúc cơ bản là của giao hưởng cổ điển. Cấu trúc đó gồm 4 chương như sau:
                        Phần Mở đầu: Có thể có hoặc không. Trong 12 giao hưởng London của Haydn luôn luôn có phần mở đầu trừ Symphony No. 95. Giữa phần mở đầu và chương I là cả một sự tương phản về điệu thức (âm thể) và về tiết tấu (thường mở đầu rất chậm).
                        Chương I: Allegro. Chương này thường có tốc độ nhanh (Allegro) nên còn được gọi là chương Allegro. Hình thức chính của chương này là Sonate như chúng ta đã đề cập đến trong số báo trước. Ở đây có 2 chủ đề, thường gọi là chủ đề chính (principal theme – hay chủ đề 1) và chủ đề phu (subordinate theme hay chủ đề 2). Tư tưởng của tác phẩm luôn được thể hiện trong chương này. Đặc điểm của nó là tạo sự xung đột, căng thẳng giữa những ý nhạc tương phản của 2 chủ đề và nhiều hành động kịch tính phát triển mạnh mẽ, nhằm thể hiện một nội dung đấu tranh quyết liệt của tác phẩm.
                        Chương II: Chương này thường có tốc độ chậm: Andante (Khoan thai) hoặc Adagio (rất chậm) với tính chất trữ tình (lyric) hoặc bi thương (pathétique), tiêu biểu cho hình tượng tương phản với những tình cảm suy nghĩ liên quan đến thế giới nội tâm củacon người, cũng có khi liên quan đến hình tượng thiên nhiên. Hình thức âm nhạc thường được dùng ở đây là biến tấu (variation), ba đoạn đơn, ba đoạn phức tạp hay sonate không có phần phát triển. Ngoài ra, các nhà soạn nhạc còn dùng thể loại có tốc độ chậm, gọi là hành khúc tang lễ (funeral march; marche funèbre).
                        Chương III: Tốc độ nhanh. Trong âm nhạc thế kỷ XVIII, chương III thường mang tiết tấu múa của điệu nhảy Menuet. Nhưng ở các giao hưởng của Haydn, Menuet không còn mang tính qúy tộc, cung đình mà thay vào đó là không khí của các vũ khúc nông dân. Đến Beethoven, ông đã thay nó bằng chương mang tính Scherzo (hài hước), cũng ở nhịp 3 nhưng sinh động và hiện đại hơn. Gọi là scherzo vì tính chất âm nhạc ở đây thường vui tươi, nhí nhảnh hoặc mỉa mai, đôi khi lại mang tính triết lý. Có trường hợp chương III là một điệu Valse hay được xây dựng trên một tiết tấu mạnh mẽ của nhịp hành khúc. Chương này tạo sự tương phản về thể loại, gây yếu tố mới cho toàn bộ sự phát triển của tác phẩm. Nó vừa tạo tính tương phản với chương II vừa chuẩn bị cho chương kết (chương IV). Chương này thường được viết ở hình thức 3 đoạn phức tạp: A B A. Đoạn B còn được gọi là đoạn Trio. Sau đoạn A, có thể thêm phần Coda để có hình thức: A - B - A. Coda.
                        Chương IV: Chương kết (Finale). Nhịp độ rất nhanh (Molto Allegro hay Presto).
                        Nhiệm vụ của nó là tổng kết toàn bộ tác phẩm. Đặc biệt đối với giao hưởng cổ điển, chương này có chức năng đa dạng, phức tạp, thường thể hiện một thế giới quan trong sáng, yêu đời. Có khi chương kết này mô tả những cảnh sinh hoạt vui tươi của quần chúng hay cảnh lễ hội tưng bừng. Chương IV thường có quan hệ trực tiếp, gần gũi với chương I góp phần tạo nên tính thống nhất cho toàn bộ tác phẩm. Trong các giao hưởng cổ điển, đặc biệt của các nhà soạn nhạc trường phái Vienne (Haydn, Mozart, Beethoven), chương kết này thường ở hình thức Sonate Allegro. Ngoài ra có tác giả còn dùng hình thức Rondo Sonate với cấu trúc: A B – A C – Coda hay dùng thủ pháp phát triển theo kiểu biến tấu (variation) hoặc đa âm (polyphony).
                                 Beethoven là người đã có những cách tân quan trọng đối với thể loại giao hưởng, đưa nó lên đỉnh cao nghệ thuật âm nhạc của nhân loại. Ở chương II của các giao hưởng, ông còn dùng hình thức hành khúc tang lễ, thậm chí cả Scherzo (thay vì ở chương III). Ông đưa hợp xướng vào chương kết của symphony No. 9 tạo thành dấu ấn không phai mờ trong lịch sử âm nhạc thế giới. Ngoài ra, ông còn sáng tạo loại giao hưởng 5 chương có tiêu đề cho từng chương và đặc biệt là các chương được trình bày liên tục, không có sự ngừng nghỉ (ví dụ chương III và chương IV của symphony No. 5, chương III và IV, thậm chí cả giữa chương IV và V của symphony No. 6). Với các giao hưởng của mình Beethoven đã xác lập một thể loại nghệ thuật kịch giao hưởng.
                                Tác dụng nghệ thuật của âm nhạc giao hưởng rất lớn, nó có khả năng diễn đạt nhiều vấn đề của cuộc sống, con người, xã hội. Nội dung nghệ thuật của giao hưởng đa dạng và phức tạp. Giao hưởng là một đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc. Qua từng thời kỳ lịch sử âm nhạc, các nhà soạn nhạc lớn đều chú ý đặc biệt đến thể loại này trong gia tài sáng tác của họ.

                        -------------------------------------------------------------------------------

                        [1] Symphonie (Pháp); Sinfonia (Ý), Sinfonie, Symhponie (Đức)
                        [2] Giovanni Gabrieli (1555 - 1612), nhà soạn nhạc người Ý
                        [3] Heinrich Schutz (1585 - 1672), nhà soạn nhạc người Đức
                        [4] Claudio Giovanni Antonio (1567-1843), nhà soạn nhạc người Ý, tác giả của ít nhất 12 vở opera, nhưng chỉ còn lưu lại 3 vở đến ngày nay.
                        [5] Johann Rosenmüller (1620-1684), nhà soạn nhạc người Đức.
                        [6] Johann Christoph BACH, Con trai út của nhà soạn nhạc vĩ đại J.S. BACH
                        [7] Gustav Mahler (1860-1911), nhà soạn nhạc Lãng mạn người Áo.
                        [8] variation
                        [9] Richard Wagner (1813 - 1883) nhà soạn nhạc, nhạc sĩ sáng tác opera lớn của Đức.
                        [10] Felix Bartholdy-Mendelssohn (1809 - 1847), nhà soạn nhạc người Đức
                        [11] Hector Berlioz (1803 - 1869), nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp
                        [12] Franz Liszt (1811 - 1886) nhà soạn nhạc nổi tiếng của Hungary. Vào cuối đời, 1865, ông chịu chức linh mục tại Roma.
                        [13] Hội viên Hội Âm nhạc Liên-Xô, Hội Âm nhạc Việt Nam, giảng viên môn “Phối khí” và “Sáng tác” của Nhạc viện Tp. HCM, người đồng hương với nhạc sĩ Trần Văn Khê (Tiền Giang).
                         

                        Sonate - Những kiến thức cơ bản:

                                 Theo các nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, sonate “vừa là một hình thức âm nhạc (musical form), vừa là một thể loại (style)”. Một tác phẩm âm nhạc có thể mang cấu trúc của sonate, khi đó, người ta gọi tác phẩm đó mang “hình thức sonate”. Bên cạnh đó, sonate còn là một loại tác phẩm âm nhạc, tương tự như oratorio, opera, concerto, v.v…, khi đó người ta có “thể loại sonate” hay “liên khúc sonate”.

                        Cấu trúc của hình thức sonate:

                        Đây là cấu trúc bên trong của một chương trong bản sonate, concerto hay song tấu, tam tấu, v.v… Hình thức sonate trình bày, phát triển và tái hiện những chủ đề tương phản. Sự tương phản ở đây không phải chỉ về hình thức mà cả về nội dung. Hình thức sonate có khả năng diễn tả và phản ánh một cách sâu sắc nhất những suy tư và đời sống tình cảm của con người, cũng như những tư tưởng triết lý phức tạp. Trải qua các giai đoạn phát triển của lịch sử âm nhạc, hình thức sonate không ngừng được phát triển và hoàn thiện, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong lĩnh vực giao hưởng và thính phòng.

                        Bố cục của hình thức sonate:

                        Hình thức sonate cổ điển gồm có ba phần chính: trình bày (exposition), phát triển (development), và tái hiện (recapitulation). Ngoài ra còn có phần mở đầu (introduction) như trong một số sáng tác của Mozart, Haydn, Beethoven, v.v… Đến Beethoven, hình thức sonate có thêm phần coda (ví dụ: chương I, bản sonate số 23 cho piano, giao hưởng số 3, giao hưởng số 5,…)

                        Sơ đồ tổng quát của hình thức sonate cổ điển:

                        A: PHẦN TRÌNH BÀY

                        - Mở đầu ( chậm , có thể có hoặc không ).
                        - Chủ đề một (allegro)
                        - Đoạn nối.
                        - Chủ đề hai.
                        - Kết phần trình bày.
                         

                        B: PHẦN PHÁT TRIỂN

                        - Phát triển từ các nhân tố chủ đề của phần trình bày bằng nhiều thủ pháp như : chuyển điệu, thay đổi âm hình tiết tấu, phức điệu…

                        - Có thể xuất hiện chủ đề mới.

                        PHẦN TÁI HIỆN

                        - Chủ đề một.
                        - Đoạn nối.
                        - Chủ đề hai.
                        - Coda (có thể có hoặc không)

                        (Bảng tóm tắt này được trích lại có hiệu chỉnh từ sách “Hình Thức âm nhạc” của Nguyễn Thị Vinh)

                        1/ - Phần trình bày: Phần trình bày của hình thức sonate gồm có chủ đề một hay chủ đề chính (principal theme), đoạn nối (transition), chủ đề hai hay chủ đề phụ (subordinate theme), và kết phần trình bày.
                        + Chủ đề một: Diễn tả hình tượng âm nhạc thứ nhất. Chủ đề một có nội dung tập trung, cấu trúc rõ ràng, điệu tính (âm thể) ổn định và thường là điệu tính chính.
                        + Đoạn nối: Có chức năng dẫn dắt và liên kết giữa chủ đề một và chủ đề hai. Sự phát triển của đoạn nối trải qua ba giai đoạn :
                        - Giai đoạn đầu: sự phát triển tương đối ổn định và không đột ngột, có sự nhắc lại một bộ phận của chủ đề một.
                        - Giai đoạn chuyển điệu: bắt đầu thoát khỏi ảnh hưởng của chủ đề một.
                        - Chuẩn bị cho chủ đề hai: đây là giai đoạn thứ ba của đoạn nối. Trong nhiều trường hợp, ở giai đoạn này chứa đựng âm trì tục (ostinato) trên âm át của điệu tính chủ đề hai. Tuy nhiên cũng có thể chứa đựng chất liệu chủ đề mới.
                        + Chủ đề hai: Tương phản với hình tượng của chủ đề một, tạo sự cân bằng trong phần trình bày. Sự tương phản thể hiện ở tiết tấu, giọng (cung, âm thể), nhịp điệu, tốc độ. Chủ đề hai tạo ra yếu tố mới trong sự phát triển của phần trình bày, nhưng cũng đồng thời giữ được mối quan hệ sâu sắc với chủ đề chính. Về cấu trúc, chủ đề hai có thể được viết ở hình thức một đoạn, hai đoạn, hoặc ba đoạn đơn. Một trong những quy luật chính của hình thức sonate cổ điển là sự tương phản giữa hai chủ đề, dẫn đến việc xuất hiện điệu tính mới. Thông thường chủ đề hai kết hoàn toàn (perfect cadence) ở điệu tính mới.
                        + Kết trình bày: Thực hiện chức năng khái quát, tóm tắt những đường nét điển hình trong toàn bộ phần trình bày. Kết trình bày cần thiết để gây ấn tượng, tạo sự cân bằng (Ví dụ: Sonate số 10 cho piano của Beethoven). Kết trình bày cũng có thể được xây dựng trên chất liệu chủ đề mới (ví dụ : Chương I – Sonate số 23 và số 31 của Beethoven).
                        2/- Phần phát triển: Đây là trung tâm mang nhiều kịch tính của hình thức sonate. Ở đây, âm nhạc được phát triển bằng nhiều thủ pháp như: chuyển điệu, thay đổi tiết tấu, v.v… Phổ biến nhất là thủ pháp “xé lẻ chất liệu chủ đề“ (fragmentation), tạo nhiều khả năng phát triển âm nhạc. Trong phần phát triển còn gặp cả hiện tượng thống nhất những yếu tố khác nhau của chất liệu chủ đề, nhắc lại mô phỏng các phần của chất liệu chủ đề hoặc biến tấu một phần nào đó trong các điệu tính khác nhau. Điển hình nhất của phần phát triển là sự phát triển liên tục, tránh sự ổn định về điệu tính cũng như về cấu trúc. 
                                   Về hòa âm, quá trình chuyển điệu tích cực, sự chuyển điệu đến các điệu tính xa, sự xung đột điệu tính là phương pháp được dùng phổ biến trong phần phát triển của hình thức sonate. Ngoài ra, ở đây còn có thể xuất hiện chất liệu chủ đề mới được gọi là đoạn chen (épisode) (ví dụ : Chương I – Sonate số 5 cho piano của Beethoven). Trong các bản sonate thời baroque, phần phát triển của hình thức sonate không được các tác giả chú trọng nhiều, có khi nó xuất hiện rất nhanh và chỉ làm nhiệm vụ trung gian giữa phần trình bày và tái hiện. Đến Beethoven, phần phát triển được chú trọng và tăng cường hiệu quả, làm cho phần này trở thành một trong những đường nét điển hình nhất của hình thức sonate.
                        3/- Phần tái hiện: Nguyên tắc chính của phần tái hiện trong hình thức sonate là giảm bớt sự phát triển cũng như xung đột bằng cách nhắc lại hình tượng chính của phần trình bày ở điệu tính chính. Phần tái hiện thường có thứ tự chất liệu chủ đề như ở phần trình bày: chủ đề một - đoạn nối - chủ đề hai - kết phần trình bày. Yếu tố mới của phần tái hiện sonate là tái hiện lại chủ đề hai ở điệu tính chính. Trong phần tái hiện còn có thể xuất hiện những thay đổi về cấu trúc chất liệu chủ đề, làm phong phú thêm cho phần tái hiện. Về mặt hòa âm, phần tái hiện thường có khuynh hướng ngả về bậc hạ át (IV), hỗ trợ cho việc củng cố điệu tính chính.
                        4/- Phần coda: Do Beethoven sáng tạo ra. Nó bắt nguồn từ sự tổng hợp toàn bộ quá trình phát triển. Phần coda phản ánh những chi tiết của chất liệu chủ đề hoặc những yếu tố quan trọng và nổi bật nhất của phần phát triển.

                        Thể loại liên khúc sonate cổ điển:

                                     Danh từ sonate xuất hiện ở Ý vào đầu thế kỷ 17, và chỉ có nghĩa đơn giản là một khúc khí nhạc nhỏ. Tuy cũng gồm nhiều chương với nhịp độ khác nhau, nhưng sonate ở thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 cũng chỉ có tính chất gần với tổ khúc (suite) nhạc múa, và được gọi là sonate tiền cổ điển (sonate thời baroque). Domenico Scarlatti (Nhạc sĩ Ý, 1685 – 1757) đã có những đóng góp đáng kể trong việc hoàn thiện hình thức sonate. Ông viết tất cả 555 sonate. Trong đó ông bắt đầu sử dụng các kiểu chủ đề tương phản, làm cơ sở cho sự phát triển hình thức sonate sau này. Cho đến Philipp Emanuel Bach (1714 – 1788), con trai của J. S. Bach, hình thức sonate có thêm nhiều tiến bộ rõ rệt, thể hiện ở sự kết hợp tinh tế giữa chất trữ tình du dương và chất suy tư, kịch tính của ngôn ngữ âm nhạc. Những nhà soạn nhạc vĩ đại của trường phái cổ điển Vienne (Haydn, Mozart) cũng đã có những đóng góp quý báu cho thể loại này. Nhưng công lao to lớn nhất phải dành cho nhà soạn nhạc bậc thầy Beethoven, người đã hoàn chỉnh thể loại sonate một cách tuyệt vời, đưa hình thức này lên đỉnh cao nghệ thuật, thể hiện được một cách tài tình những tư tưởng lớn của thời đại và những diễn biến sâu sắc nhất của tâm hồn con người. 
                                    Liên khúc sonate cổ điển là một tác phẩm gồm nhiều chương liên kết lại với nhau, trong đó mỗi chương mang tính độc lập tương đối. Ngoài ra, yếu tố cần thiết và quan trọng của thể loại liên khúc sonate cổ điển là: trong số các chương trong tác phẩm, nhất thiết phải có một chương (thường là chương I) được viết dưới hình thức sonate. Về bố cục, thể loại liên khúc sonate cổ điển thường gồm có ba hoặc bốn chương với tốc độ khác nhau:
                        a. Chương I: Thường được viết ở hình thức sonate với nhịp độ nhanh, sôi nổi (nên thường được gọi là sonate allegro). Do biểu tượng và ý đồ nghệ thuật của hình thức sonate nên chương một nhằm giới thiệu tập trung nội dung của tác phẩm. Hai chủ đề phản ánh các mặt tương phản của cuộc sống, tư tưởng và tâm hồn con người. Do đó, có thể nói chương I đã thể hiện phần nào tư tưởng và quan điểm của tác giả.
                        b. Chương II: Thường được viết ở nhịp độ chậm như: Andante, Adagio hay Largo. Chương II thường có giai điệu trữ tình như một ca khúc. Đôi khi, nó cũng mang tính chất suy tư hoặc bi thương (như trong Sonate số 12 của Beethoven, chương chậm là một hành khúc tang lễ – marche funèbre).
                        c. Chương III: Các nhà soạn nhạc ở thế kỷ 18 (như Haydn, Mozart) thường chỉ viết sonate ba chương, riêng Beethoven đã sáng tạo ra sonate bốn chương. Trong thể loại sonate bốn chương này, Beethoven đã đặt giữa chương hai và chương cuối một chương có nhịp điệu Scherzo. Tính chất nhạc ở đây khi thì vui nhộn, khi thì hóm hỉnh, châm biếm, nó khác điệu Menuet ở chỗ không bị gò bó vào tiết tấu vũ khúc, mà có phong cách tự do và giàu sức diễn tả hơn .
                        d. Chương kết: Thường có nhịp độ rất nhanh (vivace, presto). Nó có nhiệm vụ tổng kết các chương trên và nêu ra kết luận chung cho toàn bộ tác phẩm. Chương kết có thể được xây dựng trên cơ sở một điệu múa dân gian, khúc biến tấu (variation) của một chủ đề mang tính ca khúc, hoặc được viết theo hình thức Rondo. Từ thế kỷ 18 trở đi, do nhu cầu diễn đạt nội dung ngày càng sâu sắc và phong phú, nên chương kết cũng có thể được viết ở hình thức sonate. Trong trường hợp này, chương kết có vị trí quan trọng trong việc tổng kết vấn đề đã nêu ra trong tác phẩm, khẳng định một kết luận bằng những hình tượng âm nhạc tràn đầy kịch tính và sức diễn tả (ví dụ: chương kết trong bản sonate “Ánh trăng“ của Beethoven).
                                 Như vậy, chúng ta cần phân biệt đâu là hình thức (musical form) đâu là thể loại (musical style) khi nói về sonate. Có thể tóm tắt những điều phân tích trên đây bằng kết luận: Khi nói, “Bản sonate số 10”, đó là một thể loại âm nhạc như nhiều thể loại khác. Trong bản sonate đó, có ít nhất là một chương được viết ở hình thức sonate allegro, gọi tắt là sonate. Hình thức sonate allegro này không chỉ có trong thể loại sonate mà còn có trong nhiều thể loại khác như concerto, symphony, v.v…

                        Nguyễn Bách

                         
                        Thông tin khác:

                         

                        GÓC NGƯỜI DÙNG
                        Mã sinh viên:
                        Mật khẩu:
                        Quên mật khẩu?

                        LỊCH THI
                        CHECK MAIL
                        THÔNG TIN NỘI BỘ

                        Tin nổi bật
                        Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam Tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024

                        Đại hội Công đoàn Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công rực rỡ

                        Thông báo kết quả lựa chọn nhà cung cấp gói Hàng hoá phục vụ tết Nguyên đán năm 2023

                        Thông báo V/v tuyển sụng lao động cử đi học nghề để làm việc tại các Dn trong Tập đoàn TKV năm 2023

                        Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam và 62 năm Ngày truyền thống Nhà trường

                        Vinh quang thuộc về các nhà giáo trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam

                        Tấm gương điển hình: Thầy Hà Quang Minh và Danh hiệu Vinh quang thợ mỏ Việt Nam

                        Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và những đóng góp hiệu quả trong công tác đào tạo hệ Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông

                        Giải bóng đá HSSV khối giáo dục thường xuyên năm 2022

                        Nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện thể chất học sinh - sinh viên tại PHĐT Cẩm Phả

                        Hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai Thông tư 04/2022/TT-BGTVT

                        Khởi công xây dựng dự án: Trung tâm SHLX loại I thành phố Uông Bí

                        Thợ mỏ TKV dành 18 huy chương tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021

                        Trường Cao đẳng TKV: Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động cho sản xuất hầm lò

                        Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021