Tấm gương thợ lò tận tâm và yêu nghề

Trong những năm qua Tập đoàn TKV và các đơn vị trực thuộc đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực thợ lò nhằm đáp ứng nhu cầu theo lộ trình giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực thợ lò vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành Than. Bên cạnh nguyên nhân do sức hút ngành nghề giảm thì nhận thức của người lao động khi lựa chọn nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng bỏ học, bỏ việc giữa chừng.

       Trong những năm qua Tập đoàn TKV và các đơn vị trực thuộc đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực thợ lò nhằm đáp ứng nhu cầu theo lộ trình giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân lực thợ lò vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành Than. Bên cạnh nguyên nhân do sức hút ngành nghề giảm thì nhận thức của người lao động khi lựa chọn nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng bỏ học, bỏ việc giữa chừng.

       Theo chân đoàn công tác thuộc Trung tâm TS&GTVL thuộc trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đến làm việc tại Công ty Than Thống Nhất - TKV, tôi có dịp gặp gỡ hai tấm gương công nhân tiêu biểu của Công ty là anh Lê Văn Hiền - Thợ lò bậc 5/6, Phân xưởng khai thác 1 và anh Nguyễn Gia Hưng – Thợ lò bậc 6/6, Phân xưởng khai thác 4. Các anh là những tấm gương công nhân tiêu biểu không chỉ ở thành tích trong lao động sản xuất mà còn bởi tinh thần nhiệt huyết yêu nghề, gắn bó với nghề.

      Anh Hiền và anh Hưng là những người lao động xa quê. Nhớ lại những ngày đầu đến với vùng mỏ Quảng Ninh, anh Hiền cho biết: “Ngày đó, xin việc vào các công ty mỏ rất khó khăn, để theo nghề anh phải đăng ký học hệ tự do, tự túc hoàn toàn chi phí học tập và tự xin việc”. Năm 2010 là dấu mốc quan trọng đánh dấu thời gian anh Hiền chính thức làm việc tại công ty Than Thống Nhất và quyết định lập gia đình trong năm. Thời gian đầu chưa quen với công việc, thêm vào đó các mỏ hầm lò còn sử dụng công nghệ cũ nên thợ lò còn gặp nhiều khó khăn vất vả. Tuy nhiên,  anh Hiền luôn tâm niệm: “Công việc vất vả nhưng nếu có quyết tâm sẽ thành công, không có quyết tâm không làm được việc gì”. Đến nay, sau 7 năm gắn bó với nghề, anh Hiền đã đón vợ con từ vùng quê Thiệu Hóa – Thanh Hóa ra Quảng Ninh cùng sinh sống và lập nghiệp. Người thợ lò với mức thu nhập tính riêng năm 2016 là 224 triệu đồng/năm (18,7 triệu đồng/tháng) đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

       Cùng công tác với anh Hiền, anh Nguyễn Gia Hưng – Phân xưởng khai thác 4 sinh ra và lớn lên tại Huyện Kim Sơn – Ninh Bình. Trong thời gian nhập ngũ những năm 1995 – 1997, anh Hưng đóng quân tại Quảng Ninh và có thời gian trực gác bảo bệ tại Công ty Than Thống Nhất. Ấp ủ tình yêu với ngành Than nên năm 1998 sau khi xuất ngũ, anh Hưng theo học nghề Kỹ thuật khai thác mỏ Hầm lò tại Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin (nay là trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam). Có việc làm ổn định, năm 2001 anh Hưng lập gia đình  và đón vợ ra Quảng Ninh lập nghiệp. Đến nay, gia đình nhỏ của anh đã có thêm hai thành viên, vợ chồng anh cũng đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang tại Thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh. Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Hưng cho biết: “Hiện nay công ty đã đầu tư hệ thống máy và thiết bị hiện đại, giảm sức lao động và đảm bảo an toàn, thu nhập anh em thợ lò cũng ổn định hơn. Riêng cá nhân tôi tổng thu nhập năm 2016 là 191 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống gia đình”.

       Trong thời gian qua, được biết tại Công ty Than Thống Nhất – TKV có rất nhiều tấm gương thợ lò tiêu biểu có mức thu nhập cao, yêu nghề và quyết tâm bám mỏ. Để có được điều đó một phần do việc tích cực triển khai các chế độ chính sách của công ty nhằm thu hút và giữ chân người lao động, mặt khác xuất phát từ chính nhận thức của người lao động đối với ngành nghề. Đối với anh Nguyễn Gia Hưng thì: “Tôi xác định tư tưởng ngay từ trước khi đi làm, đầu tiên là nuôi bản thân, sau đó là gia đình. Từ đó, bản thân có động lực để kiên trì, gắn bó với công việc”.

       Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Dũng – Phó trưởng phòng Tổ chức lao động - công ty than Thống Nhất - TKV cho biết: “Công ty than Thống Nhất có gần 4000 cán bộ công nhân, mức thu nhập bình quân năm 2016 là 10,8 triệu đồng/người/tháng, riêng với thợ lò là 14,2 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay công ty đang rất quan tâm đến việc ổn định và nâng cao đời sống, thu nhập của công nhân. Để đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất, chúng tôi chủ động phối hợp với Trường CĐN Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyển sinh tuyển dụng lao động trên địa bàn toàn quốc”.

       Kết thúc chuyến công tác, tin tưởng ngành than trong tương lai với việc triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thu hút và giữ chân thợ lò sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển của các đơn vị nói riêng và Tập đoàn TKV nói chung.