Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam: Đổi mới sau tái cơ cấu

Sau hơn 1 năm sáp nhập theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đến nay, trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đã khoác lên mình một diện mạo mới cho thấy kết quả tích cực sau tái cơ cấu.

Sau hơn 1 năm sáp nhập theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đến nay, trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đã khoác lên mình một diện mạo mới cho thấy kết quả tích cực sau tái cơ cấu.

Trường Cao đẳng Nghề Than-Khoáng sản Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1304/QĐ-BLĐ-TB&XH, ngày 9/10/2014 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trên cơ sở sáp nhập 3 trường thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là Trưởng Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu nghị - Vinacomin và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - Vinacomin. Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tập thể lãnh đạo và CBGV, CNV Nhà trường đã đoàn kết, nỗ lực ổn định bộ máy tổ chức và điều hành linh hoạt nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo và sản xuất kinh doanh.

Trong công tác quản lý và tổ chức lao động, Nhà trường thực hiện phân cấp, giao quyền chủ động và gắn trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao cho các đơn vị, cá nhân, đặc biệt là nêu cao vai trò người đứng đầu. Thực hiện theo nguyên tắc mô hình tổ chức phải phù hợp với nhu cầu công việc, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của CBGV, CNV trong đơn vị, Nhà trường tích rà soát, định mức lao động và thực hiện điều chuyển lao động giữa các đơn vị kịp thời, hợp lý đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong toàn trường. Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm cán bộ được thực hiện có hiệu quả. Thông qua việc đánh giá chất lượng cán bộ hàng tháng, đội ngũ cán bộ Nhà trường ngày một trưởng thành và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc, góp phần nâng cao chất lượng công việc tại các đơn vị.

Trên cơ sở ổn định bộ máy tổ chức, công tác tuyển sinh và đào tạo tại Nhà trường đã khai thác hiệu quả các lợi thế sau sáp nhập. Đồng chí Vũ Văn Thịnh – GĐ Trung tâm TS&GTVL cho biết: "Sau sáp nhập 3 trường, chỉ còn duy nhất Trường Cao đẳng nghề Than –Khoáng sản Việt nam được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo thợ lò đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp nên thị trường nội bộ không có nhiều sự cạnh tranh thiếu lành mạnh như các năm trước, giảm được một số chi phí không đáng có như trước đây tại các địa bàn tỉnh ngoài. Tập đoàn thống nhất cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo được uy tín với các địa phương trong công tác tuyển dụng thợ lò. Kinh nghiệm, mô hình hoạt động được kế thừa của cả 3 trường, do đó nguồn lực cho công tác tuyển sinh được tăng cường mạnh mẽ.

Khen thưởng công tác tuyển sinh quý I/2016

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, Nhà trường đã kiện toàn hệ thống tuyển sinh, thống nhất hệ thống tuyển sinh tập trung về một đầu mối; nghiêm túc thực hiện các giải pháp nhằm thu hút tuyển sinh, đào tạo thợ lò với nỗ lực cao nhất trong toàn hệ thống chính trị của đơn vị; thực hiện các giải pháp chỉ đạo điều hành tích cực, phát huy được mọi nguồn lực cho công tác tuyển sinh. Bên cạnh các giải pháp thực hiện, để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong một số lĩnh vực, đặc biệt là tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô và tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò, Ban lãnh đạo Nhà trường áp dụng cơ chế đặc thù cho một số đơn vị. Kết quả cơ chế đặc thù đã đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2015 và quý I/2016, doanh thu các khoa ô tô đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (doanh thu ô tô năm 2015 đạt 54,843 tỷ đồng bằng 100,2% KH năm và bằng 107% năm 2014, quý I/2016 đạt trên 13,950 tỷ đồng bằng 125% KH và bằng 167% so với cùng kỳ 2015), chỉ tiêu tuyển sinh hệ A tăng cao hơn so với cùng kỳ (năm 2015 đạt 4216 học sinh bằng 143,8% so với cùng kỳ của 3 trường năm 2014; quý I/2016 tuyển sinh hệ A đạt 1.051 học sinh bằng 113% so với cùng kỳ năm 2015).

Diện sản xuất mới tại Phân xưởng TTSX Hầm lò 2

Cùng với đó, hoạt động sản xuất dịch vụ tại các Phân xưởng TTSX Nhà trường được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho sản xuất an toàn và hiệu quả. Bên cạnh các diện sản xuất cũ, năm 2015, Nhà trường tổ chức diện sản xuất mới tại vỉa 6,7,8 khu Đông Vàng Danh với trữ lượng khoảng 300.000 tấn. Việc tổ chức các diện sản xuất tạo điều kiện để Nhà trường tổ chức tốt hoạt động thực tập sản xuất nâng cao tay nghề cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác an toàn tại các Phân xưởng được đảm bảo, ngày công của người lao động bình quân đạt 20,9 công/người/tháng, mức lương bình quân thợ lò đạt 9.531.000 đồng/người/tháng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Nhà trường và sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể CBGV-CNV, các mặt hoạt động tại trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam đã đi vào ổn định. Hoạt động quản lý và tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng theo phương châm học đi đôi với làm, học kết hợp với lao động sản xuất, đào tạo đúng yêu cầu của doanh nghiệp và người học; các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà trường có sự tăng trưởng đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Tin tưởng rằng với các giải pháp điều hành hiệu quả, trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, phát triển xứng đáng với vị thế là một trong những trường nghề lớn nhất cả nước góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành than và các ngành kinh tế - xã hội khác.